Tôi và dạy thêm


Mình và con trai 5 tuổi nói chuyện với nhau về phim hoạt hình đô rê mon.
  • Mình: Đô rê mon
  • Con: Đô ra ê mon.
  • Mình: xu ka.
  • Con: Xi zu ka.
  • Mình: xê kô.
  • Con: su nê ô.
  • Mình: chai en.
  • Con: zai an
 Chốt lại 2 cha con thống nhất mỗi Nô bi ta.
     Ấy là cậu nhóc mới 5 tuổi thôi đấy, các bạn tưởng tưởng sẽ ra sao nếu 10-20 năm nữa khi mình và con sẽ tiếp xúc với những cái mới, tiếp thu những điều khác biệt. Vậy có phải khoảng cách này sẽ ngày càng lớn? KHOẢNG CÁCH THẾ HỆ sinh ra như thế đấy. Đấy chính là lý do mà hiện nay cha mẹ khó mà nói chuyện được với con của mình. Nếu mình càng ít trò chuyện cùng con khoảng cách này nó càng lớn, đến 1 lúc nào đó rất khó mà nói chuyện....

     Quay trở lại với việc dạy thêm học thêm. 

     Thời mình đi học ít có nguồn để thu nhận kiến thức lắm, ngoài nhà trường ra đứa nào khá lắm là mua vài cuốn sách giải chấm hết, chứ không phải phong phú như bây giờ. Cho nên đứa nào muốn giỏi thì học thêm. Thời ấy không cấm cản như bây giờ đâu. Lúc còn đi học, không ít lần mình nghe xì xào (cả HS lẫn phụ huynh): thầy cô giấu bài để dạy thêm, tao bị đì khi không học thêm ổng bả, ông đó bà đó đì con tui....Lúc ấy mình thấy sao sao ấy và đến hôm nay khi trải qua các vị trí HS, sinh viên dạy kèm và giáo viên với thời gian dạy 10 năm mình mới được câu trả lời.
     
     Thời sinh viên mình có đi dạy kèm vài năm, cái mình nhận thấy là:

1. Do cha mẹ không dạy được con cái. Lý do không phải cha mẹ ít học mà ngược lại cha mẹ học cao và bài bản hẳn hoi nhưng không dạy được vì khoảng cách thế hệ mà mình nói ở đầu. Vì trình độ cách nhau quá xa nên cha mẹ thấy quá đơn giản và cho rằng con cũng thấy như thế mà không biết rằng nó thực sự là vấn đề khó với nó. Ví dụ nhứng phép tính cộng trừ với chúng ta quá đơn giản nhưng với HS lớp 1-2 nó thực sự là vấn đề và nó phải dùng toàn sức lực. Cha mẹ thì quá đơn giản nhưng con mãi không làm được hoặc làm lâu thế là bực gắt lên. Kết quả là cha mẹ bực mình vì dạy mệt mỏi, con thì áp lực lo lắng học không tốt. Vậy là con cần đi học thêm.

2. Do cải cách giáo dục. Thời đi học mình nhớ người học trước chỉ lại cho người học sau, cha mẹ học rồi chỉ được lại cho con cái. Nhưng nay khó mà làm được vì nhiều cái thời đi học cha mẹ không được dạy, hoặc những cái mới được áp dụng sau này. Mình còn nhớ thời mình kèm 1 bé học lớp 3-4 gì đấy không nhớ rõ lắm, có 1 bài toán dạng tìm hai chữ số khi biết tổng và hiệu. Chị phụ huynh giải cho con bằng cách đặt ẩn và giải ra trong 1 phép tính. Đứa con thì cứ giãy nảy không đúng cô con dạy, bà mẹ chắc nịch ''con cứ viết cho mẹ,làm như này là đúng''. Kết quả là cô phê ''không đạt''. Bà mẹ quê với con nên gặp mình cứ nói'' bà cô nó bị làm sao á phải làm đúng theo cách bả mới chịu''. Mình xem và bảo chị rằng: ''cái này giải bằng tổng cộng hiệu chia hai, nó mới học tới đây còn đặt ẩn phải tới cấp hai.Chị dạy nó như thế nhìn vô là biết người lớn làm dùm rồi. Cô nó phê như vậy chắc có ý bảo là bài về nhà nên để con trẻ nó làm đừng làm hộ cho nó thế''. Chị cố gỡ gạc:''chị dạy nó làm ra kết quả đúng y chang mà cô nó kêu không đạt, cách nào chả là cách''. Mình bảo chị:'' cái này tương đương như việc có đứa học A,B,C cô giáo biểu về viết A,B,C nhưng chị lại chỉ nó viết 1 bài văn chương lai láng vậy sao phù hợp?'' Chị ngẩn ra rồi bảo ''ai biết đâu! cứ tưởng làm ra kết quả là được.''  Đấy do cải cách nên cần học thêm.

3. Do cha mẹ quá bận rộn. Thời ấy mình có kèm 1 bé lớp 10 trường marie curie. Bé ấy rất ngoan, thông minh và học khá giỏi. Mỗi lần mình đến chỉ có mỗi mình với nó có khi đến tận 9h30 tối mà chả thấy ba mẹ nó đâu, thắc mắc thì được biết. Nhà nó 4 người: bố làm giám đốc, mẹ chủ của hàng nội thất, chị du học bên úc. Ba mẹ nó bận lắm thường tối mới về, xưa chị nó chưa du học thì nhà có 2 chị em nay chị nó đi có mỗi mình nó. Mỗi lần mình dạy nó, nó chả chịu làm bài mà cứ kể hết chuyện này đến chuyện kia cho mình nghe. Mình nạt nó, nó cười bảo ''mấy cái này dễ ẹt em làm tí là xong'' và nó làm tí là xong thật. Thì ra sức nó thì đâu cần kèm cặp gì chẳng qua cha mẹ nó bận làm ăn nên thuê người vừa làm bảo mẫu chăm nó vừa kèm nó học (công nhận người giàu họ tính cũng ác ghê ấy chứ). Nó ở nhà cô đơn nên thấy mình chịu nghe nó khoái lắm kể hết mọi chuyện trên trường ở nhà cho mình nghe. Công nhận thời ấy mình nghe giỏi thật chứ chả đùa. Trong số mấy đứa kèm mình thấy tội nó nhất. 

     Thời đi dạy, do ám ảnh thời đi học là những lời xì xào '' thầy cô đì ...học thêm'' và cũng do ảnh hưởng của 1 người thầy mà mình vẫn tôn kính-người chủ nhiệm mình năm 11 đã nói 1 câu mà mình nhớ mãi ''thầy sẽ không dạy thêm cho nên mọi kiến thức thầy sẽ cố gắng truyền hết cho các em trên lớp học'' . Và mình cũng làm y như vậy. Trong những năm đi dạy, mình dùng mắt để nhìn, dùng tai để nghe và suy ngẫm mình thấy:

1. Không có thầy cô nào đì đùng, hoặc dùng thủ đoạn để bắt ép Hs học thêm cả.

2. Thầy cô không tạo ra học thêm dạy thêm mà nó là sản phẩm do cơ chế giáo dục này đẻ ra. Chương trình học tuân theo 1 phân phối chương trình cụ thể tới thời điểm này phải học xong cái gì, dạy xong cái gì .v.v. mà mỗi tiết học chỉ có 45' bao gồm dò bài cũ, dạy bài mới, rồi tích hợp, cộng gộp....Thầy cô cố gắng dạy xong lý thuyết là may lắm rồi có muốn dạy thêm cũng chả được. Vậy là Hs muốn hiểu hơn, giỏi hơn nên đi học thêm.

3. Các danh hiệu HSG, HSTT phải thõa mãn 1 vài điều kiện. (Ví dụ HSG tổng phẩy 8.0 trở lên, 1 trong 2 môn văn hoặc toán phải 8.0 trở lên và không có môn nào dưới 6.5) Điều này có nghĩa là mười mấy môn học Hs phải giỏi đều, khá đều thì mới được HSG, HSTT. Cho nên điều này sẽ thực sự khó khăn với những môn mà HS không hứng thú và yêu thích. Và lẽ dĩ nhiên là sẽ học thêm rồi.

4. HS thích học thêm hơn học chính khóa. Bởi vì HS thấy học thêm chủ động hơn: môn nào thích, cần => học thêm. Đi học thêm giờ giấc thoải mái, ăn mặc tự do, không lo lắng đánh giá rèn luyện hạnh kiểm ...thời gian học nhiều hơn 2-3h/buổi nên hiểu bài hơn. So sánh chính khóa 45' còn học thêm 2h nên học thêm thường chất lượng hơn và chính điều này gây hiểm nhầm thầy cô giấu bài đây. thật là đau lòng.

5. Thầy cô và hs đều được lợi khi học thêm. Ví dụ mình dạy kèm 1 bé/800k/tháng, 1 thời gian sau có 3 bạn của bé này muốn học chung vậy là đi thương lượng với mình mỗi bé sẽ đóng 300k/tháng. Vậy là mình sẽ tăng thu nhập lên 1,2 triệu còn các bé kia giảm tiền xuống từ 800 xuống còn 300k. Ai cũng dc lợi và đều vui vẻ, và hiệu quả tăng lên khi học chung các bạn thảo luận làm hiểu bài hơn.

6. Học thêm vì sĩ diện cha mẹ. Trong những năm đi dạy mình thấy rất ít cha mẹ chấp nhận con cái trung bình mặc dù con họ xuất sắc ở những mặt khác. Những em này học rất tôt ở 1 vài môn còn 1 -2 môn có vẻ không hứng thú nên không tốt lắm vậy là bị khống chế không đạt danh hiệu, thế là cha mẹ không hài lòng và bản thân các em bắt ép phải học thêm các môn này. Trong số các kiểu học thêm mình ghét nhất kiểu này, nó không đem lại tí thiết thực nào cho bản thân HS ngoài việc kiếm điểm. Và chính kiểu này mình nhận được nhiều kiểu phản ánh thế nọ thế kia lắm, thực ra vấn đề không nằm ở dạy thêm học thêm mà là ở bản thân họ và không biết khi nào họ mới hiểu???

7. Chả có luật nào cấm học thêm dạy thêm cả.  Các ngành nghề khác coi việc làm thêm để tăng thu nhập cải thiện đời sống, vậy hà cớ gì người thầy cô dạy thêm để kiếm thu nhập lại bị cấm cản? Việc 1 số thầy cô bị bắt quả tang dạy thêm rồi bị phạt các kiểu khiến mình phẫn nộ và đau long lắm thay!Dạy thêm học thêm nó có xấu xa, tàn ác, làm hại cho con người cho xã hội không mà bêu rếu sỉ nhục? Học thêm là 1 nhu cầu rất thực và lẽ dĩ nhiên cung cầu ắt sẽ gặp nhau thôi.

     Tóm lại học thêm dạy thêm là do cơ chế sinh ra. Vậy nên khi có người đòi cấm dạy thêm học thêm, người xì xào ''thầy cô ... dạy thêm'' hãy đọc kỹ bài này, suy nghĩ lại và hãy hiểu cho các thầy cô kẻo lại gây nghiệp thì khổ lắm thay!!!!



Viết tại Phan thiết bởi blogger Mai Đình Phúc

Comments

Popular Posts